Cuộc đời Elisabeth của Bohemia

Elisabeth năm 12 tuổi.

Elisabeth Simmern van Pallandt sinh ngày 26 tháng 12 năm 1618 tại Heidelberg.[1][4] Bà là người thứ ba trong số mười ba người con và là con gái lớn nhất của Frederick V, Tuyển hầu tước Pfalz và Elizabeth Stuart, con gái của James I của Anh và em gái của Charles I.

Người ta không biết nhiều về thời niên thiếu của Elisabeth, ngoại trừ những mối quan hệ gia đình.[5] Sau một thời gian trị vì ngắn ngủi không thành công ở Bohemia, cha mẹ của Elisabeth bị buộc phải lưu vong ở Hà Lan vào năm 1620.[2][6] Elisabeth ở với bà ngoại Louise Juliana của Nassau tại Heidelberg trước khi chuyển đến Hà Lan vào năm 9 tuổi.

Elisabeth được hưởng một nền giáo dục toàn diện, bao gồm triết học, thiên văn học, toán học, luật học, lịch sử, ngôn ngữ hiện đại và cổ điển.[4][6] Bà được các anh chị em đặt biệt danh là "La Grecque" ("Người Hy Lạp") bởi vì sự xuất sắc của bà trong việc học thứ ngôn ngữ cổ này.[2]

Elisabeth cũng được học các môn nghệ thuật bao gồm hội họa, âm nhạc và khiêu vũ.[1] Bà có thể đã được kèm cặp bởi Constantijn Huygens.

Năm 1633, Elisabeth nhận được lời cầu hôn từ Władysław IV Vasa, Quốc vương Ba Lan.[4][5] Cuộc hôn nhân này có thể có lợi cho Pfalz, nhưng nhà vua là người Công giáo, còn Elisabeth thì từ chối bỏ đạo Tin lành, nên cuối cùng mối hôn nhân bị hủy bỏ.

Edward Reynold đề tặng tác phẩm Chuyên luận về lòng đam mê và những thành tố của tâm hồn con người (1640) cho Elisabeth.[1] Mặc dù không rõ bối cảnh chính xác của việc đề tặng này, nhưng điều đó cho thấy Elisabeth đã xem bản thảo của tác phẩm.

Năm 1642, Elisabeth đọc cuốn Suy ngẫm về Triết học Tiên khởi của Descartes.[7]

Năm 1646, anh trai của Elisabeth là Philip Frederick của Pfalz đã giết một người đàn ông trong một cuộc đấu tay đôi.[7] Elisabeth được gửi đến ở với gia đình ở Đức, và ở đây, bà tìm cách giới thiệu với các giáo sư về công trình của Descartes.

Năm 1660, Elisabeth gia nhập tu viện Luther tại Herford, và năm 1667, bà trở thành tu viện trưởng.[1] Trong khi tu viện là đức tin Luther, Elisabeth là người theo Đức tin Cải cách.[8] Mặc dù tu viện trưởng trước đây (chị họ của Elisabeth) cũng là một người Cải cách, sự khác biệt về đức tin này đã tạo ra một số sự ngờ vực ban đầu.

Là Tu viện trưởng, bà chủ trì tu viện và cai quản cộng đồng dân cư xung quanh gồm 7.000 người.[9] Trong thời gian Elisabeth là tu viện trưởng, tu viện đã trở thành nơi ẩn náu cho nhiều người khỏi các cuộc đàn áp tôn giáo và bà đã chào đón rất nhiều người từ các hệ giáo phái khác nhau, bao gồm cả những người theo giáo phái Labadie.[1] Khi cha của Robert Barclay, David bị cầm tù, Elisabeth đã can thiệp và giúp đỡ để ông được thả ra.[10]

Elisabeth qua đời vào ngày 12 tháng 2 năm 1680.[8] Bà được chôn cất trong Nhà thờ Tu viện Herford.